Triết lý Tarot với 'Truyện Kiều'
Bài Tarot và "Truyện Kiều" dù có cách thể hiện khác nhau, cùng nhắm đến kể chuyện về nhân sinh và con người.
Cỗ bài Tarot lưu hành từ thời Phục hưng và đang phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều người chưa biết đến Tarot, nhất là biết nó với tư cách là cẩm nang chứa đựng triết lý về con người của phương Tây, chứ không phải đơn thuần chỉ là trò chơi hay công cụ bói toán.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu có hơn 40 năm nghiên cứu về Truyện Kiều và văn học thế giới. Ông là người đầu tiên kết hợp giới thiệu triết lý Tarot trong sự đối chiếu với Truyện Kiều. Đây vừa là cách tiếp cận Tarot độc đáo, đồng thời cũng vừa là một khám phá đặc biệt trong cách nghiền ngẫm truyện thơ nổi tiếng của dân tộc.
Giữa Tarot và Truyện Kiều, có cách thể hiện khác nhau, một đến từ phương Đông, một đến từ phương Tây, cùng nhắm đến kể chuyện về nhân sinh và con người.
Trong buổi trò chuyện tối 18/12 tại Hà Nội, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã chia sẻ về bài Tarot, về Kiều, về triết lý nhân sinh của bộ bài phương Tây và Truyện Kiều.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ về bài Tarot, Kiều tại buổi trò chuyện tối 18/12. Ảnh: M.C. |
Từ ngây thơ đến thế giới
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết bài Tarot là kinh dịch của phương Tây, ngoài những ý tưởng, biểu tượng, triết thuyết được cài đặt rất sâu trong cỗ bài, nó thường được sử dụng với mục đích dự đoán, tiên tri. Cỗ bài này xuất hiện tại thời nào đến nay chưa xác định được. Nhưng phần đa thừa nhận nó có cách đây trên 500 năm.
Bộ Tarot gồm 78 lá, được chia thành 2 tụ. Một tụ gọi là đại cẩm nang và một tụ là tiểu cẩm nang. Tụ đại cẩm nang gồm 22 lá (22 cổ mẫu, hình mẫu của thế giới). Tụ tiểu cẩm nang gồm 56 lá, dựa trên tính cách của tứ đại nguyên tố: Đất, nước, gió, lửa và mỗi đại nguyên tố mang 14 lá.
Truyện Kiều là tác phẩm văn học lớn nhất của thơ ca Việt Nam. Có điều thú vị là, cấu trúc của truyện Kiều có thể dựa vào cấu trúc của đất, nước gió, lửa, hoặc cấu trúc của vòng tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân.
Lá số 0, lá Khờ (thơ ngây) thuộc bộ Tarot có hình ảnh vẽ theo nội dung Truyện Kiều. Ảnh: M.C. |
Cấu trúc của bài Tarot cũng như vậy. Lá bài đầu tiên trong 22 lá đại cẩm nang là không số, hoặc lá số 0. Lá số 0 gọi là lá Khờ. Và 22 lá trong đại cẩm nang chính là cuộc phiêu lưu của Khờ, từ xuân, hạ, thu, đông đến xuân.
Cuộc phiêu lưu đó bắt đầu từ tâm hồn trong trắng, không biết gì. Sau đó, đi vào cuộc sống, học những bài học khai tâm đầu tiên, trải qua những cuộc gặp gỡ, đóng vai trò khác nhau, rồi gặp phải những loài bạc ác, tinh ma, quỷ, gặp bất công, gặp người tốt, công lý, trải qua những đêm có ánh sao của hy vọng, những đêm trăng mờ tối của cuộc đời, trải qua những vầng dương xán lạn nhất và trở thành người hiểu biết tinh đời…
Sau đó, nhảy múa giữa cuộc đời (lá 21: Thế giới), trở lại trạng thái hồn nhiên như một đứa trẻ, nghĩa là trở về với thơ ngây.
Những điều mà Tarot nói thì Truyện Kiều cũng nói (từ ngây thơ đến thế giới). Truyện Kiều khởi đầu là một cô Kiều thơ ngây, là Khờ, lá số 0: "Nhớ từ năm hãy thơ ngây / Có người tướng sĩ đoán ngay một lời / Anh hoa phát tiết ra ngoài"…
Lá bài số 21: Thế giới, có hình ảnh theo nội dung Truyện Kiều. Ảnh: M.C. |
Mối quan hệ giữa các nhân vật chính
Về tứ đại nguyên tố đất, nước, gió, lửa, trong bài Tarot, mỗi đại nguyên tố mang 14 lá bài và nó tương chiếu với Truyện Kiều như sau:
Bộ nước chỉ quan hệ giữa Kiều với Kim Trọng. Tarot vẽ bộ nước bằng những cái ly, cốc, chén đựng nước đựng rượu. Nước là tình cảm và tình yêu. Từ đó, ta có thấy từng lá trong 14 lá của bộ nước này tương quan với sự phát triển trong quan hệ giữa Kiều và Kim Trọng.
Ví dụ Kiều và Kim Trọng gặp nhau: "Dưới cầu nước chảy trong veo / Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha". Sau này, khi Kiều gia đình đi vắng Kiều đã tận dụng cơ hội để đi thăm Kim Trọng và 2 người lập tức giao hoan bằng những chén nước: "Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng"…
Tại sao nước lại thường xuyên được đưa ra khi nói về Kiều và Kim Trọng. Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu là vì Nguyễn Du muốn cho chúng ta thấy tình yêu trong trẻo nhất, đẹp nhất trong Truyện Kiều là tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng.
Lá bài số 6: Người tình, có hình ảnh theo nội dung Truyện Kiều. Ảnh: MC. |
Bộ đất chỉ mối quan hệ giữa Kiều và Thúc Sinh. Trong bài Tarot bộ đất được vẽ bằng những ngôi sao bạc, đó là ký hiệu của thực tế, thực tiễn, tiền tài, sức khỏe. Giữa Kiều và Thúc Sinh là một phương diện thực tiễn của tình yêu, nhưng tình yêu này dính dáng tới tiền bạc quá nhiều.
Nguyễn Du mô tả khi Thúc Sinh gặp Kiều thì "Trăm nghìn đổ một trận cười như không". Vì Tú Bà "Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê", nên Nguyễn Du đã cho Thúc Sinh tung tiền ra và Tú bà nhận những đồng tiền đó để chiều lòng Thúc Sinh.
Để có được nụ cười của Kiều, hay để Tú bà dàn cảnh Kiều tắm để mình thưởng ngoạn, Thúc Sinh đã mất cho Tú Bà không biết bao nhiêu là tiền.
Còn quan hệ giữa Từ Hải và Kiều lại là gươm (bộ gió). Nguyễn Du mô tả Từ Hải mới gặp Kiều thôi là nhắc tới gươm ngay: "Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo". Rồi sau đó, sống với Kiều, Từ Hải luôn nghĩ tới việc một tay dựng nên cơ đồ. Nghĩa là vung gươm lên xẻ đôi sơn hà với triều đình: "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong"…
Còn bộ lửa là quan hệ giữa Kiều với Giác Duyên. Lửa là ánh sáng. Trong Tarot vẽ một cây gậy, hay đuốc có lửa. Quan hệ giữa Kiều và Giác Duyên là gậy, là lửa là tìm đến một ánh sáng. Khi Kiều đến với Giác Duyên, Nguyễn Du đã nói ngay là đèn hương, đèn lửa.
Lá bài số 14: Dung hợp trong bộ Tarot có hình ảnh, nội dung từ Truyện Kiều. Ảnh: MC. |
Cũng trong buổi nói chuyện, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu lần lượt giới thiệu 22 lá bài đại cẩm nang. Và hình minh họa được sử dụng là những lá bài của một dự án do một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM thực hiện. Hình ảnh các lá bài dựa theo nhân vật, câu chuyện trong Truyện Kiều.
22 lá bài đại cẩm nang gồm: Lá 0: Khờ (thơ ngây). Lá 1: Pháp sư, tương ứng với tứ đại nguyên tố. Lá 2: Linh nữ tương ứng với Đạm Tiên. Lá 3: Nữ vương, nói về vai trò người mẹ, tương ứng với Thúy Vân. Lá 4: Đế vương, nói về vai trò người cha, tương ứng với Kim Trọng. Lá 5: Đạo sĩ, tương ứng với thầy xem tướng.
Lá 6: Người tình, nói về những mối tình của Kiều. Lá 7: Cỗ xe, nói về những chuyến đi, tương ứng là Thúc Sinh. Lá 8: Dũng sĩ, nói về dũng khí, bản lĩnh, tương ứng với Hoạn Thư. Lá 9: Ân sư, người soi sáng, tương ứng với Giác Duyên.
Lá 10: vận mệnh, tương ứng việc Thúc Sinh đẩy Kiều đi, khi không thể đến được với Kiều. Lá 11: Công chính, xử án, tương ứng với việc Từ Hải giúp Kiều thực hiện công lý. Lá 12: Treo ngược, tương ứng với phản kháng triều đình của Từ Hải.
Lá 13: Chết: kết thúc một giai đoạn, tương ứng với Từ Hải chết, Kiều tự trầm nhưng phục sinh. Lá 14: Dung hợp: tương ứng với nhân vật Tam Hợp đạo cô. Lá 15: Ma quỷ, tương ứng với Mã Giám Sinh cướp đoạt sự trong trắng của Kiều.
Lá 16: Lầu bốc lửa, tương ứng với việc lầu Thúc Sinh mua cho Kiều bốc cháy và Kiều trở thành nô tỳ của Hoạn Thư. Lá 17: Sao, lá hy vọng. tương ứng chuyện Kiều ước muốn ra khỏi Thanh lâu. Lá 18: Trăng, tối tăm, tương ứng với Kiều bị Sở Khanh bỏ rơi trong rừng.
Lá 19: Mặt trời, lá của ánh sáng, tương ứng với đoạn Kiều từ am mây nước bên sông Tiền Đường của Giác Duyên bước ra, trở về với gia đình. Lá 20: Nghiệp duyên. Kiều được Giác Duyên cứu đưa lên thuyền, chấm dứt cuộc đời trầm ải từ Đạm Tiên. Lá 21: Thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét